Tự chế pháo và nguy cơ thương vong: "Cảnh báo nhiều nhưng hiểm hoạ vẫn xảy ra"
Trong năm 2023, toàn quốc đã phát hiện 2.354 vụ mua bán, vận chuyển pháo trái phép, bắt giữ hơn 3.000 đối tượng, thu hơn 40.000 kg pháo. Càng gần đến thời điểm Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật về pháo diễn biến phức tạp, đặc biệt là hoạt động chế tạo, sản xuất, sử dụng pháo trái phép. Đây là những hành vi vi phạm pháp luật, tiềm ẩn mối nguy hiểm khôn lường tới tính mạng, sức khỏe và tình hình an ninh, trật tự.
Ngày 7/12 vừa qua, một vụ nổ do mua vật liệu tự chế pháo đã xảy ra tại tỉnh Ninh Bình khiến 2 phụ nữ tử vong và một trẻ em bị thương; Cơ quan CSĐT Công an huyện Kim Sơn (Ninh Bình) đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự “Chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép vật liệu nổ” và tạm giữ đối tượng Nguyễn Văn Linh (sinh năm 1996, trú tại thị trấn Bình Minh, huyện Kim Sơn) để điều tra làm rõ.
(Hiện trường vụ nổ do chế tạo pháo trái phép tại huyện Kim Sơn, Ninh Bình)
Linh là người đã thuê ngôi nhà của gia đình ông Trần Văn Chính (sinh năm 1987, ở xã Văn Hải, huyện Kim Sơn) và thuê 2 người phụ nữ là chị M.T.X (1993) và chị T.T.G (1995) cùng ở huyện Kim Sơn làm công việc lắp ngòi nổ, đóng gói thuốc pháo nổ, đóng gói đơn hàng pháo tại gian bếp do chính Linh thuê.
Khai nhận tại cơ quan Công an, Nguyễn Văn Linh cho biết, đã xem trên mạng xã hội Facebook biết cách thức chế tạo pháo nổ nên đặt mua 20 kg thuốc pháo, dây cháy chậm và vỏ pháo trên mạng xã hội để chế tạo pháo nổ bán kiếm lời. Ngày 7/12/2023, khi tự chế pháo nổ thì xảy ra vụ việc thương tâm, làm chị X. và chị G.tử vong, cháu P. (con trai chị G.) bị thương nhẹ.
Sự việc trên thêm một lần nữa cảnh báo về nguy cơ thương vong do tự chế pháo nổ trái phép gây ra.
Để đảm bảo an ninh, trật tự, bình yên khi Tết đến, xuân về, Công an xã Đức Bình Đông thông tin và khuyến cáo đến người dân cần nâng cao nhận thức, đảm bảo an toàn trong quản lý và sử dụng pháo theo đúng quy định của pháp luật.
Theo quy định tại Nghị định số 137/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo, theo đó người dân cần phân biệt loại pháo nào được phép sử dụng, loại pháo nào bị nghiêm cấm.
1. Loại pháo không được phép sử dụng (nghiêm cấm), gồm: pháo nổ và pháo hoa nổ
- Pháo nổ là loại pháo có chứa thuốc pháo nổ, khi sử dụng gây ra tiếng nổ (pháo bánh, pháo quả… khi đốt gây ra tiếng nổ);
- Pháo hoa nổ là loại pháo có chứa thuốc pháo nổ, thuốc pháo, thuốc pháo hoa, khi sử dụng gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian.
Các loại pháo trên người dân không được phép nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, hoặc chiếm đoạt. (Trừ trường hợp tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được Thủ tướng Chính phủ giao theo quy định).
2. Loại pháo được phép sử dụng: Pháo hoa
Pháo hoa là sản phẩm có chứa thuốc pháo hoa, khi sử dụng (đốt) phát ra hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian và không gây ra tiếng nổ. Đối với loại pháo này, cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có thể mua loại pháo này tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa (thuộc Bộ Quốc phòng) để sử dụng trong các trường hợp: Lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật...
* Để đón một năm mới an toàn, bình yên, người dân cần chú ý:
- Nâng cao nhận thức, đồng thời quản lý giáo dục con em trong gia đình chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong đó có các quy định về quản lý, sử dụng pháo. Không được phép nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc chiếm đoạt pháo nổ (trừ trường hợp tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, cung cấp, vận chuyển, sử dụng pháo hoa nổ theo quy định).
- Đối với các sản phẩm pháo hoa được phép sử dụng phải đáp ứng các điều kiện về năng lực hành vi dân sự; sử dụng trong các trường hợp được phép, bảo đảm an toàn trong quá trình sử dụng và lựa chọn mua tại các cửa hàng được phép kinh doanh theo quy định của pháp luật.
- Nếu phát hiện các trường hợp cố ý vi phạm quy định về phòng, chống pháo nổ người dân cần báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc Công an huyện Sông Hinh theo số điện thoại 0257.3858.126 hoặc Công an xã Đức Bình Đông theo số điện thoại 02573.505.002 để xử lý theo quy định./.
Nguồn: Cục CSQLHC về TTXH, Bộ Công an